Tiếp tục xem hoa...  Dâu dại  Thật ra tôi không biết tên gọi cây này trong tiếng Việt là gì. Tên tiếng Anh là false strawberry hay snake strawberry. Người Nhật và Trung Quốc đều gọi là "xà môi". Cái tên Hán tự này khó nghe, nên tôi gọi là "dâu dại". Cách gọi này không được hay lắm vì có khá nhiều loại "dâu dại" khác nhau, có thể lẫn lộn. Quả trông rất giống quả dâu tây, nhưng nhỏ hơn. Không biết mùi vị như thế nào vì tôi không dám thử. Không thấy ai hái cả nên tôi nghĩ là có thể không ăn được. Cây này cũng chỉ là một loại cây cỏ, mọc hoang dại trong đám cỏ. Lúc mới trông tôi đã nhầm hoa dâu dại này với hoa "thâm sơn kim mai" (Potentilla matsumurae). Tên khoa học của cây dâu dại này là Duchesnea chrysantha hay Potentilla indica. Cũng có thể gọi là "kim mai" vì cùng chi Potentilla.
Hattori Ransetsu có bài haiku sau:
hebi-ichigo hankyuu sagete meotozure
Một bản dịch tiếng Anh trong quyển A history of haiku của R. H. Blyth:
Snake-strawberries Carrying small bows Husband and wife together
Còn đây là bản dịch của tôi:
Dâu dại Mang cung nỏ Vợ chồng đi cùng nhau
Bài haiku này hơi lạ. Câu đầu tiên là những quả dâu dại, không liên kết ngữ pháp với phần còn lại của bài haiku. Dâu dại ở đây mang hàm ý là nơi hoang dã, nơi có hai vợ chồng cùng đi săn bắn với nhau. Một hình ảnh cô đọng giữa một nơi hoang vắng. Ở đây phải thấy rằng quả dâu dại rất nhỏ, nằm rất sát mặt đất, tuy có màu đỏ dễ nhận thấy, nhưng không nhìn kỹ cũng khó thấy. Hạnh phúc của cặp vợ chồng đi săn cũng vậy, có thể dễ thấy nhưng không tinh ý thì không thấy. Bài haiku này chỉ có hình ảnh, nhưng các hình ảnh lại liên kết với nhau trong các ý nghĩa ẩn giấu, như hạnh phúc không lồ lộ ra ngoài.
~~~~~~~~~~~~~~ Hoa bìm bìm  Hoa này ở Việt Nam có rất nhiều. Nhưng lại chủ yếu là cây dây leo. Hoa bìm bìm ở trên là hoa bìm bìm Nhật. Tên khoa học là Calystegia japonica. Đây là loại cây bụi, thân thảo. Ban ngày hoa nở, nhưng đến tối lại cụp lại. Vì vậy người Nhật gọi hoa này là "trú nhan", dung nhan chỉ thấy vào ban ngày. Tôi không rõ bìm bìm ở Việt Nam có cụp lại vào buổi tối không. Người Trung Quốc gọi hoa này là "đả oản", có lẽ vì trông giống cái khuôn làm oản. Tiếng Anh gọi hoa này là bindweed hay morning glory. Cái tên morning glory giống như "trú nhan" của Nhật. Tôi không hiểu "bìm bìm" có nghĩa gì. Đôi khi tôi thấy cũng kỳ quái, tên hoa có thể hiểu tường tận trong các ngôn ngữ xa lạ, nhưng với tiếng mẹ đẻ lại không hiểu chúng có nghĩa gì. Hoa này dường như không có gì đặc sắc về vẻ đẹp, nhưng vì chỉ nở vào ban ngày nên có khá nhiều bài haiku nhắc tới. Cũng kỳ lạ. Bài haiku sau của Issa, một trong bốn nhà thơ nổi tiếng nhất của Nhật Bản (Basho, Buson, Issa, Shiki):
hirugao ni fundoshi sarasu kozo kana
Bản dịch tiếng Anh của D. G. Lanoue:
in day flowers airing out his loincloth... little boy
Còn đây là bản dịch của tôi:
Hoa bìm bìm Chiếc khố phơi Chú tiểu
fundoshi là chiếc khố trong trang phục cổ điển của Nhật. Trong một số lễ hội ngoài đường ở Nhật tôi vẫn thấy người ta đóng khố rước kiệu. Hoa bìm bìm giống như chiếc khố phơi của chú tiểu nhỏ. Tôi thấy đôi khi haiku chỉ là những hình ảnh rời rạc, liên kết nhau bằng liên tưởng. Một bài haiku rất ngắn nên dường như nhịp điệu của thơ chỉ còn là quãng nghỉ ngắt câu. Kiệm lời, trầm ngâm dường như là đặc điểm của thơ ca Nhật. Nhưng đây cũng là thế mạnh để thơ ca trở thành một thứ văn hóa quần chúng, khi chúng không đòi hỏi hoặc kỹ năng niêm luật gò bó hoặc phóng túng nhưng trong một âm luật không tường minh.
~~~~~~~~~~~~~~ Hoa lựu Hoa lựu nở vào đầu hè. Tên đầy đủ là thạch lựu, tên khoa học là Punica granatum. Nguyễn Du viết rất chuẩn: Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông. Hoa nở trên cây lựu không dầy đặc như hoa anh đào, không thưa thớt như hoa phác. Những bông hoa đỏ xen lẫn giữa các lá xanh trông rất giống những đốm lửa lập lòe, từ xa đã có thể nhận thấy.
Bài haiku sau của Shida Yaha ở thế kỷ 17:
samidare ni nureteya akaki hana zakuro
Bản dịch của tôi:
Mưa tháng năm Đẫm đỏ Những bông lựu
Bài haiku này rất giản dị. Những giọt mưa đầu hạ càng làm những bông lựu đẫm ướt đỏ hơn.
 ~~~~~~~~~~~~~~ Hoa kim ngân 
Hoa này có nhiều tên gọi khác nhau. Người Nhật gọi là "hấp cát" đọc theo lối Hán Việt. Cái tên này rất khó nghe. "Cát" là dây sắn, có tên như vậy thì cây thuộc loại thân leo. Người Trung Quốc gọi hoa này là "kim ngân" hay "nhẫn đông". Hoa có tên "kim ngân" vì khi ban đầu nở hoa có màu trắng, về sau ngả sang màu vàng. Trên một cây có thể thấy cả hoa trắng lẫn hoa ngà vàng. Tên trong tiếng Anh là Japanese honeysuckle. Tên tiếng Anh như vậy có lẽ do hình dáng bông hoa trông giống như con ong đang hút mật. Tên khoa học của hoa là Lonicera japonica. Tôi gọi là hoa kim ngân giống như người Trung Quốc. Hoa này rất thơm, hương phảng phất như hoàng lan. Hoa luôn nở thành một cặp đi với nhau.
Buson, một trong "tứ đại bài nhân", bốn nhà thơ haiku vĩ đại nhất của Nhật Bản, có bài haiku sau khá nổi tiếng:
Ka no koe su suikazura no hana chiru goto ni
Bản dịch tiếng Anh của R. H. Blyth:
The voice of mosquitoes, Whenever the flower of the honeysuckle Falls.
Còn đây là bản dịch của tôi:
Tiếng muỗi kêu Bông kim ngân Mỗi khi rơi xuống
Bài haiku này rất tinh tế. Muỗi bay ra khi mùa hè đến, và là lúc hoa kim ngân nở. Những con muỗi muốn đậu xuống bông kim ngân. Nhưng bông kim ngân lại không chịu nổi sức nặng của những con muỗi và rơi xuống. Những con muỗi, khi bông hoa rơi xuống, không còn chỗ đậu, bay ra và tạo thành tiếng muỗi kêu. Một khung cảnh cực kỳ trầm lặng, thanh bình và tinh tế. Có trầm lặng, có thanh bình mới nghe được tiếng muỗi kêu, mới nhìn thấy các bông hoa đang rơi. Có tinh tế mới cảm nhận và liên tưởng mỗi bông hoa rơi với những con muỗi.
~~~~~~~~~~~~~~~ Kim ngân tây Hoa này rất khác hoa kim ngân Nhật, tuy hình dáng từng bông trông rất giống nhau. Hoa kim ngân Nhật nở thành cặp, còn hoa này có cả chùm và có thể không nở cùng một lúc. Hoa cũng không có màu trắng rồi chuyển sang ngà vàng như hoa kim ngân Nhật. Hoa có màu vàng bên trong và màu hồng đỏ bên ngoài. Tên hoa gọi là kim ngân Tây cũng không được chuẩn xác lắm, vì hoa đâu có màu trắng vàng. Tên kim ngân Tây là tên ngoại suy qua tiếng Anh. Hoa kim ngân Nhật có tên là Japanese honeysuckle, còn hoa này có tên European honeysuckle. Người Nhật và Trung Quốc không gọi hoa này là "kim ngân", mà gọi là "nhẫn chung". Nhưng tôi thấy cái tên "nhẫn chung" khó nghe nên gọi là "kim ngân" và khi cần thêm chữ "Tây" để phân biệt với hoa kim ngân Nhật. Tên khoa học của hoa là Lonicera periclymenum.
Hoa kim ngân Tây cũng có hương rất thơm. Trong Âm thanh và cuồng nộ của Faulkner mùi hương kim ngân lan tỏa khắp cuốn tiểu thuyết. Đó là mùi hương đầy uẩn ức về Caddy trong tâm trí của Quentin. Khi đọc cuốn tiểu thuyết này tôi đã không biết mùi hương kim ngân như thế nào. Giờ thì tôi đã cảm nhận được hương kim ngân. Quentin từng nghĩ: "Kim ngân là hương hoa buồn bã nhất, tôi nghĩ. Tôi nhớ khá nhiều hoa." ("Honeysuckle was the saddest odor of all, I think. I remember lots of them."). Tôi chợt nghĩ khi tôi đọc Âm thanh và cuồng nộ đã có một khoảng cách văn hóa. Tôi đã không thể nào hình dung được hương kim ngân. Có phải là hương hoàng lan, hoa lài, kim ngâu hay dạ lan? Đúng là đi một ngày đàng cảm nhận được bao nhiêu điều mới mẻ và quyến rũ vô cùng.
"Sometimes I could put myself to sleep saying that over and over until after the honeysuckle got all mixed up in it the whole thing came to symbolis night and unrest I seemed to be lying neither asleep nor awake looking down a long corridor of gray halflight where all stable things had become shadowy paradoxical all I had done shadows all I had felt suffered taking visible form antic and perverse mocking without relevance inherent themselves with the denial of the significance they should have affirmed thinking I was I was not who was not was not who."
Faulkner viết câu văn quả thật kinh khủng, dài ngoẵng không dấu phảy, như mùi hương kim ngân trải dài bất tận trong tâm tưởng con người. Tiếc quá không có bản tiếng Việt ở đây để đọc lại và trích dẫn. ~~~~~~~~~~~~~~` Cỏ tai hổ Cây hoa này có nhiều tên khác nhau: cỏ tai hổ (hổ nhĩ thảo), cỏ chân vịt (áp túc thảo), tuyết hạ. Tên cỏ tai hổ hoàn toàn không phải vì hoa, mà là do lá cây có hình dạng giống như tai hổ. Người Nhật còn gọi hoa này là "tuyết hạ". Không rõ có phải hoa trông giống như những bông tuyết đang rơi nên có tên như vậy không. Tên tiếng Anh là strawberry saxifrage. Tên này lấy từ tên khoa học Saxifraga stolonifera. Hoa này rất nhỏ, bé xíu, nhưng hình thù trông rất hay, như một con ong hay một con bọ có cánh.
Cái tên "tuyết hạ" lại tạo ra nhiều cảm hứng cho thi nhân. Bài haiku sau của Donshuu, một đệ tử của Basho:
nichi sakari no hanaya suzushi ki yuki-no-sh*ta
Bản dịch của tôi:
Nắng rực rỡ Hoa sắc lạnh Cỏ "tuyết rơi"
Ở đây yuki-no-sh*ta là cỏ tai hổ nhưng lại có nghĩa là "tuyết hạ", dưới tuyết hay tuyết rơi. Tên hoa đem lại cảm giác mát lạnh cho hoa giữa ánh nắng rực rỡ của những ngày đầu hạ.
 ~~~~~~~~ Hoa súng  Có lẽ không ai không biết những câu thơ này "Xuân du phương thảo địa / Hạ thưởng lục hà trì / Thu ẩm hoàng hoa tửu / Đông ngâm Bạch tuyết thi", thú vui bốn mùa của người xưa. Mùa hạ là mùa hoa sen, hoa súng nở. Hoa súng ở Việt Nam có rất nhiều, cũng đủ màu cung bậc. Hoa súng cũng dễ phân biệt với hoa sen. Hoa súng không nhô cao trên mặt nước như hoa sen. Lá hoa súng có xẻ rãnh chữ V, còn lá hoa sen tròn kín, không xẻ rãnh nào. Tiếng Việt phân biệt hoa sen, hoa súng rất phân minh và rạch ròi. Hoa súng trong chữ Hán là "thụy liên", tức là hoa sen ngủ. Có tên như vậy vì hoa súng đến tối thì cụp lại như đi ngủ. Nhưng mà tôi nghĩ hoa sen cũng cụp vào buổi tối [vì chợt nhớ tới bài thơ tôi thuộc lòng hồi còn nhỏ, lúc còn chưa biết đọc: ...Lạ thung thổ mồi tìm chẳng được / Trở ra về thấy nhện giăng tơ / Mảng vui chơi bắt nhện nào ngờ / Trời hôm tối hoa sen cụp lại ...], chẳng biết có đúng không? Tôi chẳng phân biệt nổi khi nào thì dùng "liên", "hà" hay "phù dung". Đây là trường hợp mà tôi thấy tên hoa trong tiếng Việt rõ ràng hơn hẳn tên hoa trong chữ Hán.
Lưu Quang Vũ có câu thơ về hoa súng:
Nghe hoa súng bờ ao se sẽ nở Da diết lòng hương dịu tự vườn cau...
Chế Lan Viên có bài thơ Màu hoa súng tím:
Màu hoa súng ấy như cơn đau không dám khóc Chỉ lặng yên sắc tím để mà đau Người đời chỉ biết màu sen anh đỏ rực Còn nỗi buồn hoa súng tím biết cho đâu.
Nói đến hoa súng không thể không nhớ tới các bức tranh hoa súng của Monet. Tôi nhớ ở d'Orsay có treo bức tranh hoa súng của Monet. Hồi qua đấy tôi có mua mấy tấm poster tranh hoa súng của Monet về treo, khổ bé tí như giấy A4. Vĩnh viễn chẳng bao giờ có tiền để có thể chơi tranh thật. Hội họa luôn dành cho những người giàu. Tiếc là chưa có dịp đi thăm vườn nhà của Monet.
~~~~~~~~~~~~~~~ http://donga01.blogspot.com
Đã được chỉnh sửa bởi tigonflowers - 21 Oct 2011 lúc 12:59am
|
Hôm nay chúng ta tiếp tục ngắm hoa , đọc người khác bình hoa và thơ nhé! Tuy là không rãnh lắm nhưng mà vẫn tranh thủ để "cưỡi internet, xem hoa" 
Hoa Cây Hồng
 Không phải là hoa hồng, mà là hoa của cây hồng. Hoa cây hồng không đẹp, không đặc sắc, không có gì đặc biệt. Quả hồng đặc sắc hơn rất nhiều. Nhưng ở chốn này tôi thấy quả hồng chưa chín, vẫn hãy còn xanh. Độ tháng nữa có lẽ những quả hồng sẽ chín đỏ vàng trên những cành cây trụi lá. Người Nhật, người Trung Quốc đều gọi cây hồng là cây thị. Cây hồng, cây thị là các cây thuộc cùng một chi, chỉ khác loài. Cây hồng có tên khoa học là Diospyros kaki, còn cây thị có tên khoa học là Diospyros decandra. Mùa hồng, mùa thị đều vào dịp Trung thu.
Issa có bài haiku sau:
柿の花おちてぞ人の目に留る kaki no hana ochite zo hito no me ni tomaru
Hoa hồng rụng mắt người mới nhận ra
Cây hồng ra hoa không có gì đặc sắc, không ai nhận thấy. Chỉ khi hoa rơi xuống đất, người đời mới nhận ra chúng. Nỗi buồn và đồng cảm sâu thẳm về một loài hoa. Tôi không biết đó có phải là nỗi đồng cảm với những con người mờ nhạt, dường như không ai thấy có họ ở cõi nhân gian. Khi họ ra đi chúng ta mới nhận ra họ đã từng có mặt ở đời. Chỉ vậy thôi, trong một khoảnh khắc, một chút nhói lên, rồi lại bình lặng như mặt nước hồ mới chớm mùa thu.
 ~~~~~~~~~ Rau Hạnh  Lúc nhìn thấy loại hoa này tôi cứ nghĩ đây là một loài hoa súng, bởi vì lá có xẻ rãnh chữ V, một đặc điểm đặc trưng của hoa súng. Về nhà tra mới hay loài hoa này không phải loài hoa súng. Cây hoa này có tên khoa học là Nymphoides peltata. Người Nhật gọi cây hoa này là asaza, còn người Trung Quốc gọi là "hạnh thái", tức là rau hạnh. Thoạt đầu tôi không tin cây hoa này là rau hạnh, bởi vì bài thơ đầu tiên trong Kinh Thi có nói về cây rau này:
Sâm si hạnh thái Tả hữu lưu chi Yểu điệu thục nữ Ngộ mị cầu chi
So le rau hạnh lơ thơ Hái theo dòng nước ven bờ đôi bên U nhàn thục nữ chính chuyên Nhớ khi thức ngủ triền miên chẳng rời (Bản dịch của Tạ Quang Phát)
Theo Tạ Quang Phát, Chu Hy chú giải hạnh: rau tiếp dư, rễ mọc ở đáy nước, lá màu đỏ tía hình tròn, đường kính hơn một tấc, nổi trên mặt nước. hoặc tả hoặc hữu, vô định không thường, khi bên trái khi bên mặt, lưu thuận theo dòng nước mà hái lấy. Bài thơ này tôi đọc nhiều lần, và luôn hình dung rau hạnh là một thứ cây dài dài, nổi vật vờ theo làn nước, chứ không hình dung nó như một loại cây súng. Tôi giở quyển Thi Kinh danh vật đồ giải của Nhật ra tra, thì thấy đúng đây là rau hạnh. Tôi vẫn chưa biết cây rau này ăn như thế nào, có mùi vị ra sao. Đi một ngày đàng biết thêm bao nhiêu điều tưởng đã biết mà thực ra là chưa biết.   ~~~~~~~~~~~~ Mẫu Đơn        ~~~~~~~~~~~~~ Đồ Mi  Cái đêm hôm đấy đêm gì Bóng dương l*ng bóng đồ mi trập trùng Chồi thược dược mơ mòng thụy vũ Đóa hải đường thức ngủ xuân tiêu Nguyễn Gia Thiều
Đồ mi là thứ hoa tạo cho tôi nhiều băn khoăn nhất. Hoa đồ mi có tên khoa học là Rubus rosifolius hay Rubus illecebrosus, song chú ý phải là chủng loại có cánh kép. Loại hoa cánh đơn của loài Rubus rosifolius trông rất xấu, không thể là thứ hoa đồ mi đã đi vào trong văn chương. Trong tập Mai Viên thảo mộc đồ phổ của Mouri Baien, một nhà khoa học Nhật ở nửa đầu thế kỷ 19, có bức vẽ mô tả hoa đồ mi. Mouri Baien cho biết có thứ hoa đồ mi trắng, vàng và hồng. Hoa đồ mi nhìn thấy giống như hoa lệ đường. Thật ra cũng không có gì đáng ngạc nhiên, vì hoa lệ đường trước khi được xếp vào chi Kerria riêng biệt, vốn có tên khoa học là Rubus japonica. Tôi không chắc bức ảnh tôi chụp ở trên có phải là hoa đồ mi. Nhìn hình dạng hoa trông có vẻ phù hợp với hoa đồ mi. Nhưng có hai đặc điểm khiến tôi hồ nghi: một là hoa nở khi cây gần như không có lá, và khi chụp tôi đã không để ý tới đặc điểm mô tả lá của cây, thành ra khuyết mất một đặc điểm quan trọng để định danh, và hai là không thấy gai trên cành. Theo bức vẽ mô tả hoa đồ mi của Mouri Baien cây hoa có gai trông như cây hoa hồng hay tường vi. Đặc điểm cây ra hoa trước khi có lá rất dễ là hoa thuộc chi Prunus, kiểu như một loại mai hay đào trắng. Nhưng cánh hoa ở đây lại không có vẻ thuộc đào hay mai. Người Nhật hiện đại cũng ít dùng tên gọi đồ mi, họ gọi là tokin-ibara hay botan-ibara (ibara là tường vi, tokin là Đông Kinh, botan là mẫu đơn), cho thấy đồ mi có dạng gần với tường vi. Hoa đồ mi có hương thơm, do vậy không thể lẫn với hoa trà (sơn trà) vốn là thứ hoa không có hương.
Trong câu thơ của Nguyễn Gia Thiều, thược dược chắn hẳn phải là hoa mẫu đơn và hải đường là hoa Malus halliana quen thuộc. Hoàn toàn có thể hiểu được câu thơ của Nguyễn Gia Thiều mà không cần biết hoa đồ mi, thược dược, hải đường trông như thế nào. Nhưng tôi vẫn cảm thấy nếu không biết các loài hoa đó ra sao thì cảm nhận câu thơ của Nguyễn Gia Thiều thiếu hẳn một bề sâu văn hóa. Đó là cách cảm nhận trên bề mặt biểu hiện của ngôn ngữ, thiếu hẳn một nền tảng trầm sâu vững chắc ở dưới cái bề mặt biểu hiện ngôn ngữ đấy. Chẳng hạn, liệu có thể viết: bóng dương l*ng bóng lưu ly trập trùng? Rõ ràng là ánh nắng không thể tạo ra bóng hoa lưu ly trùng điệp (không kể tới hoa lưu ly không phải là hoa bản địa của Đông Á). Nhưng liệu Nguyễn Gia Thiều có được cái bề sâu văn hóa đấy không, hay ông cũng chỉ viết theo một cách ước lệ hình thức văn hóa du nhập từ nước ngoài, kiểu như hải đường đi với xuân tiêu. Thật khó mà biết được!
 ~~~~~~~~~~~~~~~ Thược Dược  Đây là hoa thược dược, thuộc chi Dahlia. Loài hoa này không phải là hoa bản địa của các nước Đông Á. Người Trung Quốc gọi loại hoa này là đại lệ cúc ("lệ" là đẹp như trong từ mỹ lệ), còn người Nhật gọi hoa bằng tên phiên âm daria. Cái tên "thược dược" của người Việt quả có vấn đề, làm lẫn lộn với loại thược dược chính tông, đến nỗi trong quyển Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Đỗ Tất Lợi phải ghi lại rất rõ ràng đừng có lẫn thược dược chính tông với loài hoa thược dược này. Thược dược chính tông chính là loài mẫu đơn Paeonia lactiflora. Cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều gọi loài hoa Paeonia lactiflora là thược dược hay bạch thược. Riêng Việt Nam, không rõ tại sao, lại lấy tên "thược dược" để chỉ loài hoa thuộc chi Dahlia, hoàn toàn khác chi Paeonia. Chính vì lẫn lộn như vậy mà khi đọc các tác phẩm văn học Trung Quốc hay Nhật Bản cần lưu ý nếu bản dịch tiếng Việt dịch là thược dược thì rất có khả năng đấy không phải là hoa thược dược trong tâm trí của người Việt (Dahlia) mà là hoa mẫu đơn (Paeonia). Ví dụ trong bản dịch Ngàn cánh hạc, tiểu thuyết của nhà văn Kawabata, của Trùng Dương có đoạn: "Vừa nói, Kikuji vừa mở cánh cửa kính trông ra vườn. Khi đi qua phía sau lưng người thiếu nữ, chàng bắt gặp một mùi hương tàn tiết ra từ đóa thược dược trắng cắm trong lọ hoa. Đôi vai đầy của nàng hơi nghiêng về phía trước". Hoa thược dược (Dahlia) làm gì có mùi hương chứ. Mùi hương tàn mà Kawabata viết chính là hương hoa mẫu đơn Paeonia lactiflora, một mùi hương rất thoảng và nhẹ. Bản dịch tiếng Anh của E. G. Seidensticker như sau: "Kikuji opened the glass doors to the garden. As he passed behind the girl, he caught a faint scent from the white peony in the vase. Her full shoulders were thrown slightly forward". Chính xác là peony. Kawabata cực kỳ tinh tế trong câu văn của ông.
 ~~~~~~~~~~~ 楊貴妃の寝起顔なる牡丹哉 Yooki Hi no neoki-gao naru botan kana Shiki
Dung nhan Dương Quý Phi vừa tỉnh giấc hoa mẫu đơn
Tôi từng lấy làm quái lạ chốn này không thấy loại hoa mẫu đơn đẹp. Hôm nay bắt gặp loại hoa mẫu đơn khác. Tôi đoán đây là một loại của loài mẫu đơn Paeonia lactiflora. Loài mẫu đơn này có lá hoàn toàn khác loài mẫu đơn Paeonia suffruticosa. Mẫu đơn, giống như hoa hồng, có rất nhiều chủng loại, và thật khó mà biết hết được. Nếu Trung Quốc chọn mẫu đơn làm quốc hoa, rất dễ sẽ làm giống Mỹ, là không định pháp danh khoa học cho quốc hoa, bởi vì có quá nhiều loại.
 ~~~~~~~~~~~
卯の花は日をもちながら曇りけり U-no-hana wa hi o mochinagara kumori keri Chiyo Jo
Hoa không mộc giữ lại mặt trời những chùm mây
Đây là hoa bạch vân mộc cánh đơn, có tên khoa học là Styrax obassia, không phải là hoa không mộc cánh đơn, như tôi từng định danh so với hoa không mộc cánh kép. Tên của hoa không mộc trùng với tên tháng 4 (tháng mão), thời gian hoa nở. Tháng 4 cũng là tháng có ngày Phật đản và tên hoa có chữ "không". [Sửa lại định danh hoa ngày 28-5-2011, trước đây định danh là hoa không mộc cánh đơn]  ~~~~~~~~~~~~~~ おく山は山鳩鳴きて花もしづけき Oku-yama wa yama-bato nakite hana mo shizukeki Takebe Ayatari
Trong núi sâu chim tu hú rừng hót hoa cũng lặng lẽ bông
Miền Bắc thường gọi là hoa mẫu đơn. Nhưng tuyệt nhiên đây không phải là hoa mẫu đơn của chi Paeonia. Thành ra tôi không thích dùng cái tên "mẫu đơn" này. Miền Nam thường gọi là bông trang hay bông đơn. Cái tên bông đơn có lẽ là dạng rút gọn từ tên "sơn đơn" hay "tiên đơn" của người Trung Quốc. Tiểu thuyết Peony của Pearl Buck dịch ra tiếng Việt có hai tên gọi: Mẫu đơn và Trang. Bông hoa trắng trong ảnh có tên gọi là bạch tiên đơn và tên khoa học là Ixora parviflora, còn bông hoa đỏ trong ảnh có tên gọi là thiên vương tiên đơn và tên khoa học là Ixora duffii.
 ~~~~~~~~~~~~~~  風月の財も離よ深見艸 Fugetsu no zai mo hanare yo fukami-gusa Basho
Tách khỏi sự giàu có của gió trăng hoa mẫu đơn
Hoa mẫu đơn ở chốn này không đẹp, nhưng rất nhiều nhà trồng một khóm mẫu đơn trước sân. Ngồi trong nhà có thể nhìn thấy hoa mẫu đơn ngoài sân. Lúc hoa mẫu đơn nở hết, trông thật rũ rượi và thảm hại. Tôi không biết tại sao người đời lại ví Dương Quý Phi với hoa mẫu đơn. Có thể đó là một thứ hoa mẫu đơn khác, đẹp và kiêu sa hơn. Nguyễn Bính có câu thơ: Mẫu đơn nở đỏ nhà vua nhớ / Câu chuyện hô lai bất thướng thuyền. "Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung", không biết có phải là Lý Bạch đang tỷ dụ với hoa mẫu đơn. Có thứ hoa hồng lai ghép với hoa mẫu đơn trông lại rất đẹp. Hoa mẫu đơn trong ảnh là loại phi mẫu đơn. "Phi" có nghĩa là lụa đào, chỉ màu đỏ của thứ lụa đào. Tên khoa học là Paeonia suffruticosa.
Fukami-gusa, đọc theo âm Hán Việt là "thâm kiến thảo", một tên khác của hoa mẫu đơn (botan). Tôi không rõ nguồn gốc của tên gọi này, nhưng có lẽ chắc chỉ có người Nhật gọi như vậy, bởi vì Quảng quần phương phổ không thấy có chép tên gọi này. Gió trăng là phong nguyệt, ký hiệu của vẻ đẹp thiên nhiên. Nhưng chúng ta thường cảm nhận trăng gió hơi khác. "Một màu quan tái mấy mùa gió trăng", "Phải người trăng gió vật vờ hay sao"...
 ~~~~~~~~~~~~~~ さまざまの事思い出す桜かな Sama zama no koto omoidasu sakura kana Basho
Bao nhiêu chuyện ký ức hiện về anh đào nở hoa
Bài haiku này nằm trong tập Tiểu văn trong tráp sách ( Oi no kobumi). ~~~~~~~~~~~~~~~~~  Hoa trà thuộc chi Camellia. Ngay cùng một loài chúng cũng có nhiều dạng khác nhau như cánh đơn, cánh kép, bán kép... Có lẽ hoa trà cũng tương tự như hoa hồng có nhiều chủng loại khác nhau. Người Trung Quốc gọi cây là trà hay sơn trà, người Nhật Bản gọi là xuân hay sơn trà, tùy theo từng loài. Thành ra sơn trà trong nhiều trường hợp để chỉ hoa trà, chứ không phải để chỉ hoa sơn tra. Ở Việt Nam có loài hoa gọi là hải đường (Camellia amplexicaulis), cây bản địa của Việt Nam, thực ra là hoa trà, và người Nhật gọi là hải đường xuân, tức hoa trà hải đường.
Trong tiểu thuyết Tiếng rền của núi của Kawabata có đoạn:
Singo dẫn Fusaco và con bé Satoco đi xem đám rước lễ.
Khi ba người đang đi trên đường phố chính dẫn đến chỗ tượng Phật thì Singo bỗng để ý đến một cây sơn trà lùn ở trước cửa một kiốt bán thuốc lá. Ông ghé lại mua thuốc và ngắm cây hoa. Những cánh hoa kép hơi quăn trông rất đẹp.
Người chủ quán giảng giải cho Singo rằng giống cây cảnh hoa kép không phải là sự lạ và ông ta có trồng được một cây sơn trà duy nhất có hoa đơn bình thường. Sau đó, ông ta dẫn ông Singo vào mảnh vườn phía sau kiốt. Cây sơn trà cảnh tí hon đã khá lâu năm có vòm lá xum xuê trông rất gợi cảm.
- Tôi phải ngắt bớt nụ hoa đi! - Chủ nhân giải thích. - Vì nếu không thì cây sẽ kiệt sức.
Sau đó ông ta giảng giải về cách trồng cây cảnh và về tình hình chơi cây cảnh ở Kamakura.
- Rất cảm ơn ông. - Singo nói khi chia tay. - Tôi ghen với ông đấy!
- Tôi chưa tạo được những kiệt tác đâu, thưa ngài. Trong vườn tôi chỉ có cây sơn trà này là quý hơn cả. Khi ta chăm cây hoa đó, ta cảm thấy có trách nhiệm nặng nề để giữ cho nó không bị khô hay xổ dáng. Đại loại là việc này cũng như một thứ thuốc chống bệnh lười nhác... (Bản dịch của Ngô Quý Giang)
Nếu không biết có thể tưởng cây sơn trà trong tiểu thuyết của Kawabata là cây sơn tra thuộc chi Crataegus thì sẽ không hiểu nổi sao Kawabata lại viết "những cánh hoa kép hơi quăn trông rất đẹp". Thực ra nó là cây Camellia. Vậy trong văn học dịch của Việt Nam, sơn trà có thể là hoa trà và cũng có thể là sơn tra, tùy theo người dịch áp lớp văn hóa nào vào trong dịch thuật của mình.
Quả thanh lương trà
Cây thanh lương trà và sơn trà ra hoa vào mùa xuân, thường sau khi hoa anh đào nở. Đến mùa thu các cây này cho quả. Thanh lương trà và sơn trà không chỉ có hoa đẹp, chúng còn có quả đẹp. Thậm chí người ta hay nói về quả thanh lương trà hơn là về hoa thanh lương trà. Quả thanh lương trà nhỏ, có màu đỏ tươi, còn quả sơn trà to hơn, có màu đỏ sậm.
Bài thơ sau của Marina Tsvetaeva do Nguyễn Việt Thắng dịch:
NGÀY ĐÓ TÔI SINH RA
Chùm thanh lương thắm đỏ Rực lửa thanh lương trà. Rụng rơi những chiếc lá. Ngày đó tôi sinh ra.
Cả hàng trăm cây chuông Hàng trăm chuông tranh cãi. Hôm ấy ngày thứ bảy: Là ngày hội Thánh Giăng.
Cho đến tận hôm nay Tôi vẫn thèm được cắn Chùm thanh lương đắng cay Thanh lương trà nóng bỏng. 1916  Quả sơn trà
~~~~~~~~~~~~~  Thanh lương trà có lẽ là một cách gọi tên của riêng người Việt. Tên gọi này không có xuất xứ vay mượn từ Trung Quốc hay Nhật Bản. Cách gọi "trà" có lẽ cũng giống như "sơn trà", tức là một cách gọi không có nguồn gốc ngữ nghĩa của từ "trà". Cây thanh lương trà thuộc chi Sorbus (cây trong ảnh là Sorbus commixta, loài thanh lương trà phổ biến ở Nga là Sorbus aucuparia). Người Trung Quốc gọi thanh lương trà là hoa thu, người Nhật gọi là thất táo (nanakamado), người Anh gọi là rowan, người Nga gọi là рябина.
Thanh lương trà xuất hiện rất nhiều trong văn học Nga. Tiểu thuyết Doctor Zhivago của Pasternak có hẳn một chương mang tên Cây thanh lương trà ngọt ngào. Đoạn cuối của chương này viết:
"Cây thanh lương trà bị ngập tuyết đến lưng chừng, còn ở nửa trên thì các cành lá và các chùm quả nhỏ bị đông cứng vì băng. Nó chĩa hai cành đầy tuyết về phía chàng. Chàng chợt nhớ đến hai cánh tay mập mạp trắng nõn của Lara, hai cánh tay tròn lẳn và hào phóng của nàng. Chàng bèn ôm lấy hai cành thanh lương trà, kéo cả hai cành lại với mình. Như đáp lại tấm lòng của chàng, cây rũ tuyết rơi lả tả xuống khắp người chàng. Chàng lắp bắp mà không hiểu mình nói gì và chẳng nhớ mình là ai nữa: - Ta sẽ gặp lại em người đẹp của ta, nữ hoàng của ta, thanh lương trà yêu dấu của ta, máu thịt của ta." (Bản dịch của Lê Khánh Trường)  ~~~~~~~~~~~  Cây hoa này chính xác phải gọi là sơn tra (không có dấu huyền), nhưng tôi muốn gọi nó là sơn trà. Tôi cảm thấy sơn tra không cảm bằng sơn trà. Có thể vì "tra" xa lạ hơn "trà". Tên gọi quả là một vấn đề phức tạp ngay từ trong lịch sử. Tên khoa học của cây là Crataegus cuneata. Người Trung quốc gọi là sơn tra, người Nhật gọi là sơn tra tử (sanzashi), người Nga gọi là боярышник, người Anh gọi là hawthorn. Người Việt chúng ta thường dịch боярышник là sơn trà (có dấu huyền), hawthorn là táo gai. Như vậy nếu đọc một tác phẩm văn học nào đó được dịch qua tiếng Nga nếu thấy viết sơn trà thì đấy chính là cây này. Còn nếu đọc một tác phẩm văn học nào đó không phải dịch qua tiếng Nga nếu thấy viết sơn trà thì đấy không phải là cây này. Sơn trà trong các ngôn ngữ khác là camellia, có hoa khác hẳn cây này. Nếu là người dịch loạn xạ thì cần phải hiểu rằng sơn trà có thể đấy là cây này, và cũng có thể là cây camellia.
Trong tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất, Proust viết về một vài ham muốn đồng thời trong sâu thẳm, trong số đó có "ham muốn về làng quê vào đầu xuân để ngắm một lần nữa những cụm hoa sơn tra, hoa táo, những cơn dông trên biển". "Để ngắm một lần nữa" có nghĩa là những bông hoa sơn tra, hoa táo, những cơn dông đã là quá khứ, là thời gian đã mất.
 ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~  Tôi không biết phải gọi loại quả này như thế nào cho phải. Mỗi khi thu về, khi các loại quả khác cho màu đỏ rực rỡ, loại quả này lại có một màu tím biếc. Tôi gọi tử châu, những viên ngọc châu màu tím, mà luôn cảm thấy luyến tiếc vô cùng. Không phải cái tên "tử châu" tôi lấy của người Trung Quốc mà đâm ra có cảm giác như thế. Loại quả cây này vốn có tên gọi là Murasaki Shikibu, tên của nhà văn nữ lừng danh của Nhật Bản, tác giả của thiên tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới, một di sản văn hóa vĩ đại của nhân loại, Truyện kể Genji (Genji Monogatari). Murasaki đọc theo âm Hán Việt là "tử", có nghĩa là màu tím. Cây Murasaki Shikibu này là loại cây bản địa và đặc hữu của Nhật Bản. Vì vậy lẽ ra phải gọi nó là Murasaki Shikibu. Nhưng tôi cảm thấy tên gọi này dài và xa lạ quá. Nó thiếu sự thân thiết và gợi cảm trong tiếng Việt. Tên người thì không sao, nhưng tên cây cối thì lại khác. Tên khoa học của cây là Callicarpa japonica.
Nhìn những chùm quả tử châu tôi cảm thấy chiều thu như tím hơn. Một màu tím khiến ta nhớ tới Murasaki Shikibu, nhớ tới Truyện kể Genji. Cây cỏ không phải là giống hữu tình nhưng chúng gợi nhớ tới những tầng văn hóa đặc sắc của nhân loại. Những viên châu màu tím đấy và chàng Genji có gì liên quan với nhau? Chương thứ 5 của Truyện kể Genji là chương Waka Murasaki, Nhược Tử, Nàng Murasaki nhỏ, Nàng Tử nhỏ. Tôi hình dung nàng mặc chiếc áo khoác dài màu tím của mùa thu. "Những người phụ nữ trẻ và những cô gái nhỏ đều rất đẹp trong trang phục mùa thu. Shonagon đã chu đáo mọi thứ. Murasaki cũng vậy, mặc rất đẹp. "Nàng đã lớn", chàng nói, vén chiếc rèm qua bên. Nàng e lệ ngồi ở một bên". Đây là một đoạn văn trong Truyện kể Genji.
Nắm trong tay chẳng bao lâu nữa chăm sóc Murasaki ngọn rễ của màu tím hoàng gia vẫn còn trong đồng cỏ non
(taking it in hand may I soon take care of Murasaki the root of royal purple still in the field of young grasses)
Bài tanka trong Truyện kể Genji.
Mùa thu, mỗi chiếc lá, bông hoa, chùm quả đều mang trong mình một thế giới văn hóa sâu xa. Khi đi giữa mùa thu, đừng vội vã lướt qua, sẽ thấy xiết bao tầng văn hóa sâu thẳm nằm trong mỗi nhành cây, ngọn cỏ.
 ~~~~~~~~~~~~~~~~  Hoa này có tên gọi là lạc tiên, nhưng tôi gọi nó là hoa thụ nạn. Thụ nạn là tên tôi dịch từ tiếng Anh, passion flower. Tôi không hiểu tại sao người Việt gọi nó là lạc tiên. Tôi cảm thấy "lạc tiên" quá xa lạ với bông hoa, và thậm chí đi ngược lại với nguồn gốc tên gọi của hoa. Tôi biết tôi đã làm một việc vô nghĩa, bởi vì chưa chắc thiên hạ đã thích cái tên tôi đặt ra, và tên gọi đã hình thành rồi thì khó mà thay đổi được. Bất kể thế nào, tôi cứ gọi hoa là hoa thụ nạn. Khổ nạn của một con người đơn độc lẻ loi tuẫn nạn cho tội lỗi của con người. Hoa có tên khoa học là Passiflora caerulea, và là quốc hoa của Paraguay. Người Nhật gọi hoa là hoa đồng hồ (thời kế thảo).
Mở đầu truyện ngắn Funes, một trí nhớ siêu việt, Borges viết: "Tôi nhớ anh (tôi không có quyền thốt ra động từ linh thiêng này, chỉ có một con người trên mặt đất này có quyền đó và người đấy đã mất) với một bông hoa thụ nạn sẫm trong tay, đang ngắm nhìn nó cứ như thể chưa có một ai nhìn thấy nó, mặc dù anh có thể ngắm nó từ lúc tờ mờ buổi sớm đến lúc chạng vạng chiều buông, cả cuộc đời". Khi tôi nhìn thấy bông hoa, tôi chợt nhớ tới truyện ngắn này của Borges. Cách mở đầu câu chuyện của Borges rất lạ, nhưng tôi không phân tích nổi nó lạ như thế nào. Nhưng nó đã lưu vào trí nhớ của tôi. Lẽ ra tôi không nên nhớ. Đến một lúc nào đó tôi sẽ cảm thấy mệt mỏi vì cái đầu tôi đã đa mang quá nhiều thứ. Vụn vặt và linh tinh. "Thượng đế đã ban cho người khả năng lãng quên". Nếu con người không có khả năng lãng quên thì đấy là một khổ nạn khủng khiếp. Nhưng nếu như bộ não bỗng nhiên quên hết mọi thứ, như cái ổ đĩa máy tính bị format sạch trơn thì đấy cũng là một khổ nạn kinh khủng. Con người, rất hay, vừa nhớ lại vừa quên. Nhưng tuyệt nhiên không có một cơ chế nào để biết bộ não ta sẽ lưu lại cái gì và sẽ xóa cái gì. Nếu ta ý thức và điều khiển được cơ chế ghi-xóa đấy thì không rõ đó có phải là một khổ nạn nữa không. Vậy làm sao khi nhìn thấy bông hoa thụ nạn tôi nhớ tới Borges? Tôi lưu ký chúng khi nào để rồi bỗng đột ngột liên kết chúng với nhau? ~~~~~~~~~~~~~~~~ "  Cây hoa này có tên gọi là "đại hoa mạn đà la" theo cách gọi của người Trung Quốc. Tên khoa học của cây hoa là Datura suaveolens hay Brugmansia suaveolens. Người Việt thường gọi cây hoa này là "cà dược dại" hay "cà độc dược". Tôi không thích cái tên "cà dược" này, và gọi cây hoa là hoa mạn đà la đại theo cách gọi của người Trung Quốc. Cái tên "mạn đà la" này mở ra cả một trời tri thức và văn hóa hơn hẳn cái tên "cà dược". Quảng quần phương phổ có chép về hoa mạn đà la. Quảng quần phương phổ dẫn Kinh Pháp Hoa, khi Phật thuyết pháp: "Khi đó trời mưa hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha Mạn-đà-la, hoa Mạn-thù-sa, hoa Ma-ha Mạn-thù-sa, để rải trên đức Phật cùng hàng đại chúng; khắp cõi Phật sáu điệu vang động". Quảng quần phương phổ còn viết thêm, theo Đạo gia, sao Bắc Đẩu có Đà La sứ giả tay cầm bông hoa như vậy, do đó đời sau gọi bông hoa đấy là Mạn đà la. Trong Tử vi có sao Đà La, đi cùng với Kình Dương, thuộc loại hung tinh, chính là Đà La sứ giả của Đạo gia. Hoa mạn đà la, chép trong Quảng quần phương phổ, được coi là hoa Datura stramonium, cùng một chi với hoa Datura suaveolens này. Nguồn gốc cái tên "mạn đà la" chỉ có như vậy. Kinh sách Phật giáo hay đưa khái niệm "Mạn đà la" thành đa tầng, đa lớp, đa nghĩa, thành ra "Mạn đà la" hay được hiểu theo các nghĩa khác nhau. Tuy nhiên đây chỉ là khái niệm cây hoa mạn đà la trong văn hóa Trung Quốc, không rõ có xuất xứ gốc rễ từ văn hóa Ấn Độ không. Cây mạn đà la là thứ cây độc. Người ta có thể dùng nó để chế ra một loại ma túy hay thuốc mê với cái tên "mông hãn dược" rất hay gặp trong các truyện kiếm hiệp. Tôi nghĩ chính vì tính ma túy của nó mà kinh Phật hay nói hoa mạn đà la là vô ưu, nhưng không tìm được kinh sách khẳng định khái niệm vô ưu này. Theo thần thoại Hindu, thần Shiva hút một loại thuốc làm từ hoa Datura. Không rõ đây có phải là gốc tích vô ưu của hoa mạn đà la. "Thiên vũ tán hoa", mưa trời rải hoa, chính là nói về hoa mạn đà la trong kinh sách Phật giáo.
Tới Khê Đầu tôi thấy khá nhiều cây mạn đà la đại này. Đâu có ưu tư mà phải cần mạn đà la để vô ưu? Chiều nào chẳng mưa, sáng nào chẳng mây, thêm nỗi vô ưu, phải chăng chính là Cực Lạc?
Trần Dữ Nghĩa thời Tống có bài thơ Hoa mạn đà la sau:
Ngã phố thù bất tục Thúy nhuy phu ngọc phòng Thu phong bất cảm xúy Vị thị thiên thượng hương Yên mê kim tiễn mộng Lộ túy mộc cừ trang Đồng thời bất đồng điệu Hiểu nguyệt chiếu đê ngang
Bản dịch của tôi:
Vườn tớ khác xa tục Lá xanh phòng ngọc khơi Gió thu không dám thổi Như phải hương trên trời Kim cúc khói mê mộng Phù dung sương đắm lơi Cùng thời không cùng điệu Cúi ngửa sớm trăng soi
曼陀羅花 我圃殊不俗 翠蕤敷玉房 秋風不敢吹 謂是天上香 煙迷金錢夢 露醉木蕖妝 同時不同調 曉月照低昂 陳與義
 ~~~~~~~~~~~~~~ Trong bộ sưu tập ảnh hoa của tôi không có hoa sim. Ảnh trên tôi lấy từ trang www.botanic.jp. Vì có bạn hỏi hoa sim có giống hoa mua không nên tôi mượn tạm ảnh trên để minh họa. Theo Đỗ Tất Lợi, cây sim có tên khoa học là Rhodomyrtus tomentosa. Hoa sim có màu hồng tím, mọc đơn độc ở kẽ lá. Như vậy có thể thấy hoa sim không được tím như hoa mua. Nhưng có lẽ vì cây sim mọc cả một đồi nên một dải hoa hồng tím cho cảm giác tím, "tím chiều hoang biền biệt". Người Nhật gọi hoa sim là "thiên nhân hoa" (tenninka), còn người Trung Quốc gọi hoa sim là "đào kim nương". ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
 Túy phù dung (hay suifuyou theo cách gọi của người Nhật) có tên khoa học là Hibiscus mutabilis 'Versicolor'. Cây hoa cùng một chi với hoa dâm bụt. Tôi không gọi loài hoa này là dâm bụt, mà gọi theo tên gọi của người Trung Quốc và Nhật Bản là túy phù dung. Bởi vì "túy phù dung" mới thể hiện được hết đặc điểm của loài hoa này. Hoa túy phù dung trong ngày thay đổi màu sắc ba lần: buổi sáng hoa có màu trắng, đến trưa có màu pha hồng, đến chiều toàn hoa màu hồng. Vì hoa dần dần ửng hồng như người say rượu nên hoa có tên gọi là túy phù dung. Đến Khê Đầu tôi bắt gặp túy phù dung. Nhưng đáng tiếc chiều nào ở Khê Đầu cũng có mưa, nên tôi không chụp được ảnh hoa vào buổi chiều.
Vương An Thạch có bài thơ Mộc phù dung sau:
Thủy biên vô số mộc phù dung Lộ nhiễm yên chi sắc vị nùng Chính tự mỹ nhân sơ túy trước Cường đài thanh kính dục trang dung
Tôi dịch như sau:
Ven bờ vô số đóa phù dung Sương nhuộm phấn son chửa đậm nồng Chính giống mỹ nhân say chút rượu Gương xanh cưỡng đánh điểm trang hồng
Túy phù dung chính là một loại mộc phù dung, tức là hoa phù dung trên cạn, để phân biệt với hoa sen, hoa súng, là loại thủy phù dung. Hoa mộc phù dung thay đổi sắc màu trong ngày là hoa túy phù dung. Vì vậy túy phù dung còn được gọi là lộng sắc mộc phù dung. Sắc hồng của túy phù dung không đậm sắc phớt hồng như hải đường hay như hoa sen, chỉ hơi chút chút ửng hồng như người con gái vừa nhấp chút rượu đã say. Phớt hồng có cái đẹp của phớt hồng, ửng hồng có cái đẹp của ửng hồng. Vì chỉ chút ửng hồng nên túy phù dung không được miêu tả như "Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương", một cành hồng thắm đượm hương sương, như hoa hải đường. Hoa cũng như người hay người cũng như hoa? Vẻ nào cũng có cái đẹp của nó. Không cảm được thì thật là uổng phí cuộc đời. Cuộc đời như là một cuộc du ngoạn. Đi qua hoa mà không nhận ra hoa là một uổng phí. Nhận ra hoa mà không biết đặc tính phi vật thể của hoa là uổng phí thứ hai. Biết đặc tính phi vật thể của hoa mà không cảm nhận được vẻ đẹp của nó là uổng phí thứ ba. Bởi vậy "chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa".
木芙蓉 水邊無數木芙蓉 露染胭脂色未濃 政似美人初醉著 強抬青鏡欲妝慵 王安石  ~~~~~~~~~~~~~~ Đến Khê Đầu tôi bắt gặp hoa mua. Hoa mua này có tên khoa học là Melastoma candidum. Hoa mua ở Việt Nam mà có lần tôi thấy ở rừng núi phía Bắc trông to, giống như cái bát nhỏ. Người Trung Quốc, người Nhật Bản đều gọi hoa mua là mẫu đơn dại (dã mẫu đơn, nobotan). Hoa mẫu đơn là loại hoa quý phái cung đình, còn hoa mua là loại hoa dân dã núi rừng.
Bài ca vọng cổ Hoa mua trắng của Ngự Bình có câu:
Hoa mua đón mặt trời cho thêm rực rỡ Hoa mua đón trăng, trăng vẽ nét long lanh
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~ Hoa hagi thuộc chi Lespedeza. Tên tiếng Anh là Bush clover hay Japanese clover. Hagi đọc theo âm Hán Việt là "thu", chữ "thu" trong mùa thu thêm bộ thảo. Người Trung Quốc gọi là "hồ chi tử". Tôi ngờ đây là tên phiên âm từ hagi. Hoa hagi thưởng nở vào mùa thu, thuộc nhóm thu thất thảo, bảy cây cỏ của mùa thu. Nhưng hoa hagi là cây thân mộc, không phải là cây thân thảo. Tôi nghĩ gọi là hagi hay hơn là thu, để khỏi lẫn với hoa thu. Hoa hagi hoàn toàn khác hoa tử đinh hương mà nhiều người nhầm lẫn.
Trong bài diễn từ nhận giải thưởng Nobel về văn chương, Kawabata có dẫn bài tanka của Hoàng hậu Eikufu:
Ma-hagi chiru niwa no akikaze mi ni shimite yuhi no kage zo kabe ni kieyuku
Bản dịch của tôi:
Hoa hagi bay bay trên sân làn gió thu nhiễm vào trong cơ thể tịch dương dần khuất bóng ở đằng sau bức tường
Kawabata nói về bài thơ này của Eikufu: "... một chủ nghĩa hiện thực tinh tế, đã trở thành một chủ nghĩa tượng trưng u buồn, một tâm hồn Nhật Bản vi diệu, và dường như đối với tôi cũng rất hiện đại."
 ~~~~~~~~~~~~~~~ ~~~~~~~~~~~~  Trong các loại hoa, có lẽ, hoa hồng có nhiều tên gọi khác nhau nhất. Hoa hồng, tường vi, tầm xuân, mân côi ... đều chỉ các loại hoa thuộc chi Rosa. Trong quyển Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Đỗ Tất Lợi chỉ liệt kê hai loại cây của chi Rosa, là tầm xuân và kim anh. Theo Đỗ Tất Lợi, tầm xuân là cây Rosa multiflora, tức là cây tường vi theo cách gọi của người Nhật và người Trung Quốc. Đỗ Tất Lợi cũng chú thích rằng cây Rosa rugosa là cây mai quỷ, mà tôi gọi là mân côi theo tên gọi của người Trung Quốc. Ông còn cho biết, một loại cao lương cho lên men, cất qua hoa mai quỷ làm thành rượu mai quế lộ nổi tiếng của Trung Quốc. Hoa tầm xuân trong tiếng Nga là шиповник, cũng được dùng đồng nghĩa như Роза, tức là hoa hồng. "Cạnh bụi tầm xuân nở hoa đỏ thắm / Là lối đi dưới hàng cây đoạn âm u", câu thơ được nhắc tới trong một truyện ngắn của Bunin, là tầm xuân - hoa hồng đang nói tới. Đấy là các tên gọi chính tắc. Việt Nam lại có câu ca: "Trèo lên cây bưởi hái hoa / Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân / Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc / Em có chồng anh tiếc lắm thay." Nụ tầm xuân xanh biếc này không thể là cây tầm xuân thuộc chi Rosa. Không hiểu tại sao nụ tầm xuân lại nở ở vườn cà. Nụ tầm xuân không hồng hay trắng (giả như tầm xuân trong câu ca chính là tầm xuân theo đúng pháp danh khoa học) mà lại xanh biếc, như một điều bất thường, không ngờ tới, không chờ đợi, như người con gái hóa ra đã lấy chồng mà bao lâu nay cứ tưởng hãy còn son. Không biết câu ca có phải ý tứ như vậy không?
Issa có bài haiku sau:
Furusato ya yoru mo sawaru mo ibara no hana
và tôi dịch như sau:
Cố hương càng gần lại càng đau hoa tầm xuân
Ibara là loại hoa tường vi - hoa hồng hoang dã. Bài haiku này Issa viết khi ông trở về thăm quê nhà và viếng mộ người cha của ông. Ông gặp lại người mẹ kế và người em cùng cha khác mẹ, nhưng họ lạnh nhạt với ông vì sợ tranh chấp gia tài thừa kế. Ông ra đi và viết bài haiku trên. Hoa tầm xuân có gai, cách xa trông rất đẹp, nhưng lại gần vồ vập thì lại bị gai đâm. Đó là nỗi lòng tâm sự của Issa. Các nhà thơ Nhật Bản hay viết "Cố hương ...." như bài haiku của Shiki: "Cố hương / là đông anh em họ / cùng với hoa đào". Với Shiki cố hương là hoa đào. Với Issa cố hương là hoa tầm xuân. Với tôi cố hương là hoa gì?
 ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~ Hoa mân côi hay còn gọi là hoa hồng Nhật có tên khoa học là Rosa rugosa. Người Nhật gọi hoa là "banh lê" (hamanasu), có nghĩa là hoa lê bên bờ biển. Không rõ tên này có xuất xứ như thế nào. Thực ra đây là một loại hoa tường vi, tức là hoa hồng theo cách gọi trong tiếng Việt. Hoa mân côi khá giống hoa tường vi, tức là hoa tầm xuân. Thành ra các tên gọi thông tục rất dễ lẫn vào nhau. Nhưng truy về tên khoa học thì chúng khác nhau, tuy cùng một chi.
Bài haiku sau của Nakamura Kusatao
Hamanasu ya ima mo oki niwa mirai ari
và bản dịch của tôi:
Mân côi từ bây giờ đến mai sau bên biển khơi  ~~~~~~~~~~~~~~~~~~  Hồng mai hay hoa mai đỏ trông rất giống hoa đào. Hoa mai thuộc chi Prunus mume, còn hoa đào thuộc chi Prunus persica. Hoa mai nhìn chung nở sớm hơn hoa đào, có loại nở hoa ngay từ cuối đông. Mai và mơ là một loại. Nhưng ở Việt Nam tôi chưa nhìn thấy hoa mai đỏ, ngoại trừ loại mai đỏ gần đây nhập từ Trung Quốc hay Đài Loan.
Bài haiku sau của Izen:
Ume no hana akai wa akai wa akai kana
và bản dịch của tôi:
Hoa mai đỏ thật đỏ thật đỏ quá
Bài haiku nghe vui vui. Từ akai có nghĩa là đỏ lập lại ba lần. Kana không có nghĩa cụ thể, thường chỉ hết câu và đánh dấu điều cảm thán. Ume no hana là hoa mai. Wa đánh dấu cấu trúc câu đề-thuyết. Hoa mai nhìn thấy đỏ, nhìn nữa thấy thật đỏ, nhìn tiếp thấy đỏ rực rỡ. Độ đỏ cứ tăng dần lên theo sự chăm chú của mắt. Tôi chợt nhớ tới câu thơ của Nguyễn Bính: Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm. Đấy là hình ảnh chiếc thuyền với cánh buồm dần xa, màu nâu cứ nhạt dần , nhạt dần và biến mất. Nỗi biệt ly và xa cách. Màu đỏ trong bài haiku này ngược lại, càng nhìn càng đậm hơn. Điều có có nghĩa rằng càng nhìn càng ngắm hoa mai càng gần người, càng trở nên gần gũi thân thuộc.
 ~~~~~~~~~~~ Phi đào là loại đào cho hoa màu đỏ sẫm. Chữ "phi" có nghĩa là lụa đào. Loại phi đào tôi chụp trong ảnh là loại phi đào cho hoa nở tập chung thành những đoạn ngắn trên cành. Khi hoa nở rộ chúng bao tròn quanh cành, tạo thành những đoạn đỏ rực, trông giống như những đoạn xúc xích.
Bài haiku sau của Shiko:
Sendo no mimi no tosa yo momo no hana
và bản dịch của tôi:
Chủ thuyền tai xa quá hoa đào nở
Hoa đào nở rất đẹp và Shiko đang đi trên thuyền trông thấy, ông muốn chia sẻ phát hiện của mình với người lái thuyền, nhưng người lái thuyền ở xa, không nghe được. Khám phá ra cái đẹp nhưng không chia sẻ được. Đó là nỗi cô độc trong thưởng thức vẻ đẹp. Người lái thuyền ở xa, tai không nghe được chỉ là một cái cớ. Cảm nhận cái đẹp là một nỗi cô đơn, sự trải nghiệm của cá thể và mang tính cá nhân. Đẹp và buồn và cô độc luôn song hành cùng nhau.
~~~~~~~~~~~~~~~  Bài haiku sau của Buson:
Ame no hi ya miyako ni toki momo no yado
và bản dịch của tôi:
Ngày mưa kinh đô xa cách ngồi nhà với hoa đào
Buson làm bài haiku này khi ông đang ở chính Kyoto, đất thần kinh. Trời mưa nên ông không đi đâu được, ngồi nhà ngắm hoa đào. Ông đang ở kinh kỳ nhưng lại cảm thấy kinh kỳ xa xôi vạn dặm. Mưa không phải là khoảng cách mà lại tạo ra khoảng cách. Tôi nhớ tới câu: Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách, mưa không phải khóa mà giữ được người. Mưa giữ chân người là một ý. Mưa tạo ra ngàn dặm xa xôi là ý khác. Mưa như đưa người về một địa điểm khác, không phải là nơi đang ở. Ở đây mà lại cách xa đây. Nguyễn Bính có câu thơ: Ở Ngự viên mà nhớ Ngự viên. Đấy là khoảng cách về thời gian, là ký ức, là đi tìm thời gian đã mất. Ở kinh đô mà lại lại xa cách kinh đô cũng là ký ức, đi tìm không gian đã mất. Hoa đào ngợi nhớ về ký ức, như bài haiku của Shiki: Cố hương / là đông anh em họ / cùng với hoa đào. Ngồi nhà ngắm hoa đào, ký ức về kinh kỳ như tái hiện lại một kinh kỳ, ở đây, mà không phải ở đây, ngàn trùng xa cách. Kinh kỳ trong ký ức xa xôi. Mưa tạo ra khoảng cách. Khoảng cách không gian lại kết hợp với hoa đào tái tạo ký ức về thời gian, tạo ra khoảng cách về thời gian như đi tìm một thời đã vĩnh viễn xa rồi.
 ~~~~~~~~~~~~~~~ Loại đào này cũng thuộc loại Prunus persica, nhưng khác với loại đào cho quả ăn được, chúng cho quả nhỏ và không ăn được. Loại đào này trồng chỉ để ra hoa làm cảnh. Tôi không đối chiếu được với Quảng quần phương phổ để biết biệt danh của loại hoa đào này.
Bài haiku sau của Takarai Kikaku:
Akebono ya koto-ni toka no tori no koe
và bản dịch của tôi:
Rạng đông đặc biệt hoa đào tiếng gà gáy
Rạng đông có màu sắc giống như hoa đào. Gà cất tiếng gáy là lúc rạng đông. Tiếng gà gáy gọi rạng đông đã vẽ ra một trời hoa đào ửng hồng hay một trời hoa đào ửng hồng đã mời gọi tiếng gà buổi sớm? Âm thanh và màu sắc. Âm thanh tạo ra màu sắc hay màu sắc tạo ra âm thanh? Tiếng gà gáy và sắc hoa đào là hai sắc thái đặc biệt, không tách rời nhau, thống nhất trong nhau. Đấy là rạng đông.  ~~~~~~~~~~~~~  Cây hạnh chính là apricot trong tiếng Anh. Tên khoa học là Prunus armeniaca. Tiếng Việt vẫn thường được dịch tương đương là mơ. Nhưng cây mơ ở Việt Nam lại là thứ cây khác, có tên khoa học là Prunus mume, tức là một loại mai. Mai này là thứ mai chính tông chứ không phải thứ mai vàng ở miền Nam. Theo một ý nghĩa nào đó, mơ có thể coi là tiếng Nôm của mai. Ở Hà Nội có chợ Mơ nằm ở khu vực Bạch Mai, Hoàng Mai là như vậy. Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi là loại mơ mai, chứ không phải là loại mơ hạnh. Quả mơ hạnh ăn rất ngon, và tôi thấy thích hơn quả mơ mai. Nhưng tôi không thấy có loại mơ hạnh trồng ở Việt Nam. Chi Prunus là chi mà tất cả danh hoa mai, mận, hạnh, lý, đào đều ở trong đấy.
Đầu xuân cây hạnh ra hoa. Ban đầu là nụ đỏ, nhưng khi nở lại thành hoa trắng, bởi vì đài hoa màu đỏ, còn cánh hoa lại màu trắng. Vì vậy mà người ta còn gọi là "hồng hạnh", tức là hoa hạnh đỏ hay hoa hạnh thắm. Một bài thơ cổ khuyết danh có câu thơ: Ở đây hạnh thắm nên mai nhạt / Về đấy sen tàn lỗi cỏ hương. Câu thơ này có cả hạnh lẫn mai, tức đều là mơ cả. Như vậy ở Việt Nam có cây hạnh mà tôi không biết, hay câu thơ trên chỉ mang tính ước lệ vốn phổ biến trong thi ca? Cây hạnh góp mặt rất nhiều trong văn chương, điển tích cổ điển. Từ hạnh lâm, hạnh đàn đến hạnh hoa thôn. Điểm rất đặc biệt là hoa hạnh thường nở vào lúc có mưa xuân, kiểu như mưa phùn. Lục Du từng có câu thơ "Thâm hạng minh triêu mại hạnh hoa", có nghĩa là ở ngõ sâu buỏi sáng bán hoa hạnh. Nhưng bây giờ tôi lại thấy khó hiểu sao lại bán hoa hạnh? Hoa hạnh đâu phải là thứ hoa để cắm trong bình, trong lọ? Có lẽ hoa hạnh không phải để bày trong nhà, hoa hạnh để cài đầu. Đỗ Mục có bài thơ Hạnh viên như sau:
Dạ lai vi vũ tẩy phương trần Công tử hoa lưu bộ thiếp quân Mạc quái hạnh viên tiều tụy khứ Mãn thành đa thiểu sáp hoa nhân
và tôi dịch như sau:
Mưa phùn tẩy sạch phấn đêm qua Công tử thong dong tuấn mã ra Đừng lạ hạnh viên tiều tụy bỏ Đầy thành khôn xiết kẻ cài hoa
Bây giờ cũng không thấy có ai cài hoa hạnh vô tóc nữa. Cũng không thấy có ai bán hoa hạnh.
 ~~~~~~~~~~~ Hồ qua thảo Đây là hoa đồng cỏ nội. Hoa này li tí, đường kính chỉ độ vài mm, có màu xanh tím. Tên khoa học là Trigonotis peduncularis. Người Nhật gọi là hồ qua thảo. Hồ qua có nghĩa là dưa chuột. Thân cành cây này có mùi vị giống như cây dưa chuột nên có tên gọi như vậy. Tiếng Anh là cucumber herb. Tiếng Việt có thể gọi là cỏ dưa chuột hay văn hoa là hồ qua thảo.
Đồng cỏ tháng 4 thường thấy hoa này. Những chấm sáng xanh tím li ti trên một nền cỏ biếc. Ki no Tsurayuki có bài tanka sau trong Cổ kim Hòa ca tập, bài số 25: wagaseko ga koromo Farusame Furu gotoni nobe no midori zo iro masarikeru |
| My friend Spreads wide his cloak in a spring shower; With every fall The green fields are More verdant than ever. | Tôi dịch từ bản dịch tiếng Anh:
Bạn tôi Phanh áo dưới mưa xuân Từng hạt rơi xuống Đồng cỏ xanh Tươi hơn bao giờ hết
Bài tanka (đoản ca) có cấu trúc xác định, gồm 31 âm tiết chia thành 5 câu: 5-7-5-7-7, gồm hai vế, vế đầu 5-7-5 và vế sau 7-7, liên kết bằng âm điệu hay bằng ngữ nghĩa. Thơ Nhật không có quy tắc về vần và thanh như thơ Việt Nam hay thơ Hán. Khi dịch sang các ngôn ngữ khác, số lượng âm tiết trong bài tanka thường bị bỏ qua, chỉ giữ lại cấu trúc 5 câu. Ở bài tanka trên, vế đầu là một người hứng mưa xuân, vế sau là đồng cỏ. Mưa xuân khiến cho màu sắc đồng cỏ càng xanh tươi cũng như những giọt mưa xuân rơi xuống cơ thể con người càng khiến con người tươi trẻ hơn. Con người và thiên nhiên dường như đã hòa quyện làm một, không có đối lập con người - đồng cỏ - mưa xuân.
Đồng cỏ tháng 4, tháng 5 thường đem cảm giác thanh bình tự nhiên. Chẳng biết có phải vì hoa đồng cỏ nội?
 ~~~~~~~~~~~~~~~ Hoa xương bồ Đây là hoa Iris. Nhưng tôi sẽ không gọi là hoa diên vĩ. Trong tâm tưởng của tôi hoa diên vĩ luôn có màu tím và là hoa trên cạn. Hoa Iris này mọc ở ven hồ ao. Tôi gọi là hoa xương bồ giống như người Nhật đặt tên cho chúng. Tên khoa học là Iris pseudacorus. Chúng mọc thành cụm và có hai màu vàng và trắng. Loại hoa này chỉ có ba cánh to bên ngoài và cánh nhỏ bên trong. Hoa xương bồ nở vào tháng 5, báo hiệu mùa hè đã sang.
Bài tanka sau ở trong Cổ kim Hòa ca tập, bài số 469, khuyết danh Hototogisu naku ya satsuki no ayamegusa ayame mo siranu koi mo suru kana | | when nightingales sing in the sweet purple iris of the Fifth Month I am unmindful of the warp on which we weave love's pattern | Tôi dịch thành thơ như sau:
Chim quyên hót Tháng năm Hoa xương bồ Bên khung cửi lơ đãng Tình yêu ta dệt nên
Hototogisu là chim đỗ quyên hay chim cuốc (cuculus canorus). Bản tiếng Anh đã dịch thành chim họa mi là không chính xác. Vế đầu và vế sau của bản tanka liên kết với nhau bằng cụm âm tiết ayame. Hai đặc trưng cho đầu mùa hạ là chim quyên và hoa xương bồ. Và cũng chính ở trong thời gian này tình yêu dễ đâm chồi nảy nở, giống như câu phương ngôn "Tháng năm người thêm trẻ". Những buổi chiều đầu hè ở các nước ôn đới rất tuyệt diệu, chiều như mật ngọt và dịu êm, khoảng thời gian rất đẹp trong năm. Ở đây lại một lần nữa thấy rằng chim quyên đã không còn là hình ảnh cuốc kêu rỏ máu nữa.
  ~~~~~~~~~~~~ Hoa phác Hoa này rất giống mộc liên và tân di, cùng chi magnolia. Hoa cũng khá giống hoa sen, có hương, màu trắng ngà. Nhưng hoa này nở muộn, đầu hè mới nở, khi cây cành lá đã xanh tươi. Một cây chỉ có độ mươi bông nở, không giống mộc liên hay tân di, hoa chi chít trên cây. Tên khoa học là magnolia obovata, cây bản địa của Nhật, nhưng Trung Quốc và Hàn Quốc cũng có. Người Nhật gọi cây này là phác mộc, do đó tôi gọi là hoa phác, để phân biệt với mộc liên và tân di. Như vậy có khi chi magnolia này có đủ loại nở hoa quanh năm.
Shuoshi có bài haiku sau tsubo ni sh*te miyama no hoo no hana hiraku |
| stuck in a vase deep mountain magnolia blossoms open | Tôi dịch như sau:
Cắm vào bình Cành phác thâm sơn Hoa nở
Thật ra tôi chưa thấy ai hái hoa phác cắm vào bình.
 ~~~~~~~~~~~~~ Hoa lưu tô Cây này có tên khoa học là Chionanthus retusa, tên trong tiếng Anh là Chinese fringe tree. Người Trung Quốc gọi là lưu tô thụ. Do vậy tôi gọi hoa là hoa lưu tô. Tên này nghe hơi lạ tai, tôi thử tìm trong Quảng quần phương phổ nhưng không thấy. Hoa nở thành chùm như những mảng bông trắng trên cây, mỗi bông hoa có 4 cánh như muốn tạo thành một hình kim tự tháp. Hoa này rất thơm.
Ishihara Yatsuka có bài haiku sau:
hitotsubatago saku ura shio no kokarikeri
Tôi dịch như sau:
Hoa lưu tô Nở bên bến cảng Sóng thơm lừng
Bức ảnh chụp dưới đây lại không phải bên bến cảng, mà ở dưới chân núi. Hiên nhà cũng thơm lừng.
 ~~~~~~~~~~~~~~~~~ Tường vi  Hoa tường vi này có thể gọi là tường vi Nhật hay tường vi hoang dã (dã tường vi) để phân biệt với các hoa tường vi khác. Tên khoa học là Rosa multiflora. Hoa tường vi cũng giống như hoa hồng, có gai. Nhưng hoa này nở vào đầu hè, không giống như hoa hồng nở quanh năm. Không biết có thể gọi tường vi là hoa hồng cánh đơn được không? Loại hoa hồng thông thường thực ra không phải là hoa bản địa của Đông Á, nhưng tường vi Nhật là hoa bản địa của Đông Á.
Mizuhara Shuoshi có bài haiku sau:
Ichi-rin no Shimo no bara yori Toshi akuru
Tôi dịch như sau:
Một bông Tường vi ngậm sương Năm mới nở
Hoa tường vi trong bài haiku này (bara) không phải là hoa tường vi đang nói tới (nobara). Chúng khác nhau đúng một chữ: hoang dã. Nhưng bài haiku này rất hay. Năm mới như bông tường vi mới (vừa nở đúng năm mới). Hay nói cách khác bông tường vi đơn độc đẫm sương nở ra một năm mới. Năm cánh hoa ngậm sương bỗng bung ra cả một mùa xuân. Câu thơ rất đẹp.
Bài hát Đêm thấy ta là thác đổ của Trịnh Công Sơn cũng có nhắc đến hoa tường vi, nhưng chắc cũng không phải là hoa tường vi này:
Một đêm bước chân về gác nhỏ Chợt nhớ đóa hoa tường vi Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ Giờ đây đã quên vườn xưa Một hôm bước qua thành phố lạ Thành phố đã đi ngủ trưa
Đời ta có khi là lá cỏ Ngồi hát ca rất tự do Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà Từ những phố kia tôi về
Ngày xuân bước chân người rất nhẹ Mùa xuân đã qua bao giờ Nhiều đêm thấy ta là thác đổ Tỉnh ra có khi còn nghe
 ~~~~~~~~~~~ Vườn gái đẹp Hoa này có tên rất hay: vườn gái đẹp (viên nữ uyển). Đây là tên hoa do người Nhật gọi. Viên nữ là con gái đẹp, uyển thường được hiểu là vườn, là nơi tích tụ nhiều vẻ đẹp. Hoa có màu phơn phớt tím, nở vào đầu hè. Đây là cây thân thảo, thường có có hoa cả một cụm. Không rõ có phải màu tím phớt tượng trưng cho con gái đẹp không? Tên khoa học của hoa này là Stenactis annuus hay Erigeron annuus. Hoa thuộc họ cúc, nhưng không cùng chi hoa cúc mùa thu sương gió vẫn mặn nồng. Hoa có tên hay như vậy mà lại chỉ là hoa đồng cỏ nội.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Đã được chỉnh sửa bởi tigonflowers - 21 Oct 2011 lúc 12:45am
|