KTNT - Theo Angelika Tritscher, nhà khoa học thuộc Chương trình An toàn hoá chất quốc tế (Tổ chức Y tế Thế giới): “Bạn không thể chỉ bắt đầu ở điểm cuối. Bạn phải bắt đầu từ quá trình sản xuất, đào tạo nông dân, cần có quy định phù hợp và cuối cùng là phải có chương trình giám sát trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn (RAT) ". Vì vậy, để có những sản phẩm thực sự an toàn, chúng ta cần quay lại điểm xuất phát, làm một cách bài bản trước khi quá muộn
Từ xuất phát điểm... Anh Bùi Đăng Thoa ở thôn Phù Lộc, xã Phù Chẩn (Từ Sơn – Bắc Ninh), chủ cơ sở sản xuất RAT rộng hơn 2ha, nhận xét: “RAT là khái niệm còn rất mới ở nước ta, người dân vẫn ăn rau sản xuất theo phương thức truyền thống. Để người tiêu dùng nhận biết thế nào là RAT không dễ chút nào. Mặc dù cơ sở của tôi áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn sản xuất theo quy trình GAP như sử dụng phân xanh, hạn chế tối đa dùng thuốc bảo vệ thực vật; phơi đất, luân canh cây trồng hợp lý trong nhà lưới, tưới nước sạch, bảo đảm thời gian cách ly... nhưng cho đến nay vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra xác nhận chất lượng sản phẩm. Vì thế, giá bán không cao hơn so với các loại rau sản xuất truyền thống trong khi chi phí lớn hơn gấp nhiều lần”. Mô hình sản xuất RAT đạt quy chuẩn GAP tiêu biểu ở huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa -Vũng Tàu) là của gia đình anh Phan Hồng Hoàng ở ấp Xóm Rẫy, xã Phước Thuận. Anh Hoàng cho biết, trước khi trồng, anh làm sạch đất, bón lót phân chuồng hoai mục, chọn giống rau sạch bệnh để gieo trồng. Anh còn đầu tư lưới che để sâu bướm, côn trùng không vào được, nhờ vậy rất ít khi phải sử dụng thuốc BVTV. Do có hệ thống nhà lưới giúp cản gió nên không làm khô đất và rách lá rau. Chỉ với 2 công rau trong nhà lưới (1 công = 1.000m2), anh Hoàng cũng có thu nhập bình quân 300.000 đồng /ngày. Từ kết quả cụ thể trên, nhiều nông dân ở đây đã mạnh dạn làm theo. Để có những sản phẩm RAT đạt tiêu chuẩn EUREPGAP cung cấp cho chuỗi siêu thị có mặt tại Việt Nam, Tập đoàn Metro Cash & Carry đã chịu trách nhiệm huấn luyện nông dân về kỹ thuật sản xuất RAT như cách quản lý sản xuất, quy trình canh tác, quản lý dư lượng thuốc BVTV, công nghệ bảo quản sau thu hoạch...; còn tỉnh Lâm Đồng sẽ đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật để kiểm tra các cơ sở sản xuất rau theo yêu cầu của Metro. Theo dự kiến, Metro sẽ mua trực tiếp từ các cơ sở sản xuất rau tại thành phố Đà Lạt và các huyện Đức Trọng, Đơn Dương khoảng 150-250 tấn /tuần để phân phối cho Metro tại các tỉnh, thành phố. Từ nay đến năm 2010, Tập đoàn này sẽ triển khai dự án phát triển vùng nguyên liệu RAT tại Lâm Đồng với sản lượng 25-30 tấn /ngày. Mặc dù đây mới chỉ là những mô hình đầu tiên nhưng cũng có thể khẳng định, đó là hướng đi tất yếu của một nền nông nghiệp sạch. Vấn đề đặt ra ở đây là, nếu khâu sản xuất “thông đầu bén giọt” thì chắc chắn chương trình sản xuất RAT sẽ dễ dàng đi đến thành công. Khi nào về đích? Muốn có vùng chuyên canh RAT quy mô lớn, phải đầu tư cao, phải liên doanh liên kết, điều này, đối với nông dân không hề dễ dàng. Nhiều ý kiến cho rằng: Không thể đổ lỗi cho nông dân. Muốn có sản phẩm RAT, “4 nhà” cần liên kết để tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cần quy hoạch vùng sản xuất, chú trọng các vùng nông dân có trình độ thâm canh cao, có truyền thống trồng rau và hạ tầng phục vụ nông nghiệp tương đối phát triển. Xây dựng hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tạo điều kiện cho các hộ nông dân có đủ tiềm lực về vốn, kỹ thuật và tích tụ ruộng đất để sản xuất RAT quy mô lớn. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, tiêu thụ RAT từng bước xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm. Nhà nước cũng cần có các chính sách hỗ trợ các hoạt động kiểm tra, phân tích đất, nước đủ điều kiện sản xuất RAT, định hướng cho nông dân sản xuất theo chủng loại, số lượng sản phẩm. Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Phước Hậu, ông Trần Văn Sáu, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) nhấn mạnh: “Muốn sản xuất RAT quy mô lớn thì tùy theo từng địa phương sẽ có sự hỗ trợ khác nhau. Theo tôi, để giải quyết mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ nên thông qua mô hình HTX. HTX Phước Hậu chúng tôi, ngoài việc hỗ trợ nông dân về kỹ thuật còn lo đầu ra cho sản phẩm rau của xã viên. Hiện, HTX đã có 85ha chuyên trồng RAT với khoảng 200 hộ tham gia sản xuất”. Bà Lê Hồng Oanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để sản xuất RAT đạt hiệu quả và chất lượng, chúng ta phải lấy quy trình GAP làm chuẩn. Một trong những lý do khiến RAT trên thị trường hiện nay thường bị “treo đầu dê bán thịt chó” là chưa có cơ quan nào kiểm định chất lượng. Lời giải cho vấn đề trên chính là nâng cao nhận thức từ cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, nếu cả hai bên cùng ý thức được mức độ quan trọng của RAT thì quá trình gặp nhau sẽ rút ngắn lại. Để giải quyết vấn đề đầu ra, bên cạnh những nỗ lực của người trồng rau, doanh nghiệp, người tiêu dùng thì rõ ràng một chính sách chung có tính vĩ mô là hết sức cần thiết. Chính sách này phải xây dựng khung quy địnhvề quy trình, mô hình sản xuất, cơ quan chứng nhận RAT để căn cứ vào đó, các địa phương áp dụng thực hiện. Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong cái khung đó phải có cơ chế hỗ trợ sản xuất RAT, quy hoạch vùng sản xuất. Đối với người kinh doanh, cần hỗ trợ kiểm soát, giám sát chất lượng cũng như kiểm định chất lượng trước khi đưa ra thị trường. Ngoài ra, người trồng rau cũng như các nhà thu mua cần tổ chức điểm bán RAT liên kết giữa các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị để tìm cách tiếp cận thích hợp trên cả thị trường đại chúng lẫn thị trường cao cấp. Ngành thương mại cũng cần vào cuộc để tìm đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng để ngành nông nghiệp vừa chỉ đạo sản xuất, vừa loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội: Cần quản lý chặt từ khâu sản xuất đến tiêu thụ Từ năm 2000 đến năm 2006, Hà Nội xây dựng được 9 mô hình sản xuất, tiêu thụ RAT với tổng diện tích 43,5ha; xây dựng thí điểm 1 mô hình RAT theo quy trình GAP tại Đông Anh. Năm 2006, Chi cục đã phát hiện và lập biên bản nhiều hộ nông dân vi phạm quy trình sản xuất RAT, đặc biệt là khâu xử lý thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, việc xử phạt đối với nông dân gặp nhiều khó khăn. Vì thế, một trong những nội dung của đề án “Sản xuất và tiêu thụ RAT của thành phố Hà Nội giai đoạn 2007 – 2010” đề cập đến việc xử lý vi phạm người sản xuất và kinh doanh RAT. Dự kiến, nếu ai vi phạm lần đầu (có biên bản, ký nhận) thì nhắc nhở, lần thứ hai sẽ thông báo cho chính quyền địa phương và ban chỉ đạo sản xuất RAT của địa phương có trách nhiệm theo dõi; vi phạm lần ba sẽ thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phương châm của đề án là quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. | Vân Nhi
Nguồn: http://www.cuctrongtrot.gov.vn/?index=h&id=784
------------- Chuyên về Ruồi lính đen, tạo phân hữu cơ cho trồng trọt và đạm động vật cho chăn nuôi ĐT: 0918201070 http://www.toiyeuseo.com/forum_posts.asp?TID=10640&PN=1&title=chuyn-ha-rc-gia-nh-thnh-protein-ng-vt
|